Các lễ cúng trong đám tang mà bạn có thể chưa biết?

Ngày đăng: 19/03/2024
Lượt xem: 1404 lượt xem
Người đăng: Phạm Văn Lộc

Tổ chức các lễ cúng trong đám tang vừa là phong tục đưa tiễn người đã khuất về nơi an nghỉ cuối cùng vừa là dịp người thân trong gia đình thể hiện sự tưởng nhớ, thương tiếc cuối cùng. Vậy đó là những nghi lễ nào? Cùng Tinh Hoa Đá Mỹ Nghệ tìm hiểu cụ thể ngay!

>>>> Xem thêm: Hướng dẫn cách rút bớt chân hương và vệ sinh bàn thờ chuẩn

1. Lễ mộc dục

Lễ mộc dục (lễ tiểu niệm) còn được gọi là lễ tắm gội cho người chết. Lễ được thực hiện khi gia đình bạn có người thân vừa mới từ trần. Người tham gia là con cháu trong nhà. Đây là một nghi lễ không thể thiếu trong các lễ cúng trong đám tang.

Chuẩn bị cho nghi lễ:

  • 1 con dao nhỏ
  • 1 sợi vải hoặc kẹp để buộc tóc
  • 2 tấm vải trắng hoặc 2 khăn để tắm và lau cho người mất
  • 1 lược chải tóc
  • 1 cái gáo múc nước
  • 1 nồi nước ngũ vị hương (gồm 5 loại lá thơm)
  • 1 nồi nước ấm 
  • 1 chậu để nước

Tiến hành:

Trước khi tắm, quây màn kín quanh người chết, người chủ trì và hộ việc tang lễ quỳ xuống rồi cáo: “Nay xin tắm gội để sạch bụi trần, cẩn cáo!”, rồi bái lạy 1 vái, đứng dậy và tiến hành tắm.

Theo quy định của các lễ cúng trong đám tang, nếu người mất là cha thì con trai vào tắm, nếu là mẹ thì con gái vào tắm. Đối với người không có con cái thì người phục vụ sẽ làm thay.

  • Người tắm lấy khăn nhúng vào nước ngũ vị hương rồi lau mặt và người của người chết đến sạch rồi lấy lược chải tóc, buộc tóc cho người đã khuất gọn gàng.
  • Lấy một cái khăn khác để lau 2 chân và 2 tay, cắt móng chân, móng tay cho người mất (móng chân, móng tay cần để lại, gói để vào quan tài đem chôn cùng).
  • Mặc quần áo mới (hoặc quần áo đẹp nhất lúc còn sống) cho người mất.
  • Trải tấm vải dùng để liệm (vải khâm) lên giường, nhẹ nhàng đặt thi thể lên trên. Sau đó dùng các sợi vải trắng buộc vai, hông, đầu gối chân, hai ngón chân cái vào với nhau. Đặt 2 tay người mất lên bụng, buộc 2 ngón tay cái vào nhau.
  • Sử dụng tấm vải trắng hoặc tờ giấy trắng phủ lên mặt. Con cháu tiến hành canh giữ thi hài cẩn thận đến khi tổ chức nghi thức đưa tang.

Lưu ý: Lễ mộc dục nên thực hiện sớm nhất có thể vì để lâu không tốt cho sức khỏe của những người xung quanh. Đặc biệt, các lễ cúng trong đám tang khi thực hiện không được để chó mèo tới gần thi hài.

các lễ cúng trong đám tang
Thực hiện lễ mộc dục với mong muốn để người mất được ra đi trong sạch sẽ, tươm tất

2. Lễ phạn hàm

Lễ phạn hàm là lễ bỏ tiền và gạo vào miệng người chết với mục đích tránh ác quỷ, tà ma đến cướp đoạt vong hồn. Hiện nay các lễ cúng trong đám tang nhiều nơi đã xóa bỏ lễ phạn hàm. Người ta thay thế bằng một cái túi đựng ít tiền và ít gạo nếp cùng một vài đồ lặt vặt mà khi còn tại thế người sống hay dùng.

Chuẩn bị cho nghi lễ: Một nhúm gạo nếp đã vo sạch, ba đồng tiền đã mài sáng.

Tiến hành:

  • Người chủ trì đám tang vào quỳ, cáo rằng: “Nay xin phạn hàm, xin người nhận lấy, cẩn cáo”.
  • Người hỗ trợ lần lượt xướng: “Sơ phạn hàm, tái phạn hàm, tam phạn hàm”.
  • Tang chủ xúc gạo và tiền 3 lần. Mỗi lần nhúm một ít vào và 1 đồng tiền cho vào miệng người mất. Thứ tự cho nam bên trái trước, nữ bên phải trước. Lần cuối cùng để tiền và gạo vào giữa miệng người chết, bóp miệng lại, phủ mặt như cũ.
  • Nếu hàm của người mất bị trễ xuống thì sử dụng sợi vải buộc cố định với hàm trên để tránh trong quá trình di chuyển rớt gạo và tiền.

Lưu ý: Lễ vật mang theo người chết trong các lễ cúng trong đám tang chỉ nên sử dụng những đồ mang tính tượng trưng, không nên dùng những đồ vật có giá trị cao như vàng, bạc, ngọc.

các lễ cúng trong đám tang
Tiền và gạo được ví như lộ phí đi đường giúp linh hồn người mất thuận lợi đi đầu thai

3. Lễ khâm liệm nhập quan

Lễ khâm liệm (lễ đại niệm) là lễ chuyển thi hài người chết từ giường đang nằm vào quan tài (áo quan). Đây là một lễ quan trọng không thể thiếu trong các lễ cúng trong đám tang. Vì vậy, những người thân thích ruột thịt bắt buộc phải có mặt khi tiến hành lễ.

Chuẩn bị: Vải khâm liệm (loại vải dày, khổ rộng, có thể chùm kín chân, tay, đầu, gót của người chết), găng tay, quần áo, trà hoặc bông lài đã sấy khô, gạo nếp sấy, bột trầm.

Tiến hành: Con cháu đi vào (trai bên trái, gái bên phải). Mọi người đứng xung quanh.

  • Người chủ tang xướng: Tự lập (đứng gần vào), quỵ (tất cả quỳ xuống).
  • Chấp sự cũng quỳ rồi cáo: “Nay được giờ lành, xin rước nhập quan, cẩn cáo!”.
  • Cáo xong lại xướng: “Phủ phục (lễ xuống), hưng (dậy), bình thân (đứng thẳng).
  • Con cháu đứng sang hai bên, người hỗ trợ đưa thi hài từ trên giường đặt lên vải liệm, bọc lại. Sau đó hạ thổ (nhấc lên đặt xuống 3 lần). 
  • Tiến hành đưa thi hài vào quan tài, rút vải liệm ra, đeo găng tay, thêm quần áo đầy đủ cho người mất.
  • Khi thi hài đã lọt vào áo quan, cắt bỏ dây buộc chân, tay, vai, mông trước đó đã buộc cho người chết. 
  • Chèn vào những vị trí còn trống trong quan tài trà hoặc bông lài khô, gạo nếp sấy, bột trầm hút ẩm. Có thể để thêm quần áo cũ hoặc một số đồ dùng thời tại thế của người mất.
  • Sơn gắn quan tài cho kín, đặt giữa nhà. Trường hợp nhà có người cao hơn thì đặt sang gian nhà bên hoặc quay đầu quan tài hướng ra ngoài. 
  • Đặt 1 bát cơm cúng, 1 quả trứng gà luộc chín bóc vỏ, 1 đôi đũa được vót tua ở đầu trên, 1 bát hương, 7 ngọn nến trên quan tài theo hình sao Bắc Đẩu (nến và hương cần duy trì liên tục cho đến lúc đưa tang).

Chú ý: Không sử dụng quần áo của người sống hoặc quần áo mặc chung của người chết và người sống để bỏ vào quan tài. 

Nếu người chết đã đông cứng người, không bỏ lọt áo quan. Gia đình có thể dùng cồn, rượu xoa bóp để bớt cứng hoặc dùng 2 chiếc đũa lớn để hai bên mép áo quan rồi cho thi hài từ từ lọt xuống.

các lễ cúng trong đám tang
Lễ nhập quan là lễ đưa người mất vào quan tài an táng

>>>> Xem thêm: Gửi Vong Lên Chùa Có Tốt Không? Cách Gửi Vong Lên Chùa

4. Lễ chiêu hồn

Lễ chiêu hồn là lễ gọi hồn người chết với mong muốn linh hồn người đã khuất biết tìm đường về nhà, không phải vất vưởng.

Theo tục xưa, người thân (con trai, cha, anh, em trai) sẽ cầm áo của người chết và trèo lên nóc nhà, đứng chỗ cao nhất và giơ áo lên, gọi tên người chết 3 lần: “Ba hồn bảy vía của ông, anh, con… ở đâu thì về” hoặc với con gái thì “ba hồn chín vía của bà (cô, chị)… ở đâu thì về”.

Ngày nay, các lễ cúng trong đám tang đã được giản lược, việc gọi hồn cũng trở lên đơn giản hơn. Không nhất thiết phải là người thân, cũng không cần phải trèo lên mái nhà. Gia đình có thể nhờ người hộ tang gọi hồn giúp.

các lễ cúng trong đám tang
Lễ chiêu hồn ngày xưa khá phức tạp, cầu kỳ

5. Lễ thiết linh

Lễ thiết linh trong các lễ cúng trong đám tang là lễ lập bàn thờ tang cho người mất, thường gọi là thiết linh vị, thiết linh tọa.

Linh tọa sẽ được đặt ở phía trước linh cữu, linh vị đặt trên linh tọa (ngày nay sử dụng ảnh thay thế).

Chuẩn bị: Linh tọa (đặt ở trước linh cữu), linh vị (đặt tựa trên linh tọa), bát hương, 3 đài rượu, đèn nến, ống hương, mâm ngũ quả, 2 cây chuối con.

Linh vị (bài vị, hiệu bụt): ghi chức tước, họ, tên thụy của người chết. Ngày nay, người ta không còn sử dụng linh vị nữa mà thay thế bằng ảnh người mất để đơn giản hơn.

Tiến hành: Thầy cúng là người xướng.

  • Xuất chủ: Mở bài vị (di ảnh) lên.
  • Tự lập: Người chủ trì tang lễ vào đứng trước linh tọa. Sau đó thân thích lần lượt xếp hàng cùng vào.
  • Cử ai: Con cháu khóc.
  • Rửa tay trước khi hành lễ (quán tẩy): Những người hộ lễ sẽ rửa tay trong một chậu nước sạch đã được chuẩn bị sẵn.
  • Thuế cân: Người hộ lễ lấy khăn lau tay. Sau đó thầy cúng hô như thế nào thì nghe theo mà hành lễ.
  • Nghệ linh tọa tiền: Chủ tang bước lên một bước đứng trước linh tọa.
  • Quỵ: Chủ tang quỳ xuống.
  • Phận hương: Người chấp sự thắp hương đứng hai bên rồi bước lên linh tọa cắm vào bát hương.
  • Phủ phục: Chủ tang lạy.
  • Hưng: Chủ tang đứng lên tại chỗ.
  • Châm tửu: Người chấp sự rót rượu ra chén.
    Diện tửu: Bưng đặt lên linh tọa.
  • Ai chỉ: Con cháu ngừng khóc.
  • Giai quỳ: Tất cả cùng quỳ.
  • Độc chúc: Thầy cúng đọc cáo văn.
  • Phủ phục: Chủ tang lạy 2 cái.
  • Hưng, bình thân: Chủ tang đứng lên.
  • Cử ai: Con cháu tiếp tục khóc.
  • Cúc cung bái: Tất cả con cháu lạy 2 lạy.
  • Điểm trà: Những người hỗ trợ tang lễ chuyển trà lên linh tọa.
  • Phần chúc: Người đọc cáo văn tiến hành đốt văn tế.
  • Lễ tất: Tất cả con cháu cùng lễ. 
  • Kết thúc lễ thiết linh.

Cáo văn:

Duy! Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam quốc, ….. tuế thứ…nguyệt…nhật

(Tên tỉnh) tỉnh, (tên xã) thị xã, (tên phường, xã) phường (xã), (tên thôn) chi thôn.

Cô tử (hoặc ai tử, hoặc cô ai tử): ……

Trưởng nam (hoặc trọng nam, quý nam, hôn tử, nữ tử): ……..

Hiệp dự tử tôn hôn tế nội ngoại hợp đồng toàn gia quyến đẳng cẩn dị: Hương đăng (đèn, nến) phù lưu (trầu cau) trà tửu (trà, rượu), quả phẩm (hoa quả), tinh quả (bánh trái), kim ngân minh y (vàng mã), đẳng vật chi nghi (các vật khác) chi lễ cảm cáo vu: Hiển khảo (hay hiển tỷ): Đọc hiệu bụt người mất.

Viết vị hựu kim nhân thân phụ (hay thân mẫu) chứng giám.

Than ôi ! cây muốn lặng mà gió chẳng dừng, con muốn nuôi mà thân không ở.

Nhớ … xưa nếp nhà trung hầu, vẻ người đoan trang, bấy lâu sum họp trong làng, giờ bỗng âm dương cách biệt. Hỡi ôi! đi đâu không biết, trong vùng trời mây cao tít bay ngang, lòng con luống những mơ màng, gạt hàng lệ miệng than cầu nan báo, một tuần lễ tảo, cảm đến suối vàng xin người âm hưỏng, phù hộ an khang. Cẩn cáo!

Chú ý: Khi người đọc văn tế đến đoạn nghỉ cần điểm trống 3 tiếng (2 tiếng nhặt, 1 tiếng khoan).

các lễ cúng trong đám tang
Lễ thiết linh ngày nay đã được đơn giản hóa, dễ dàng thực hiện hơn

6. Lễ thành phục

Lễ thành phục là lễ con cháu mặc đồ tang cúng tế và đáp lễ khi khách đến viếng. Sau khi làm lễ thành phục gia đình mới tiến hành phát tang. Tiếp đó, bạn bè, thân hữu gần xa mới đến phúng viếng.

Chuẩn bị: Khăn, tang phục làm lễ. Anh, em, con, cháu cần mặc trong suốt quá trình làm các lễ cúng trong đám tang.

Tiến hành: Người hộ lễ xướng thì anh em, con cháu mặc tang phục tiến vào hành lễ.

  • Xuất chủ: Mở bài vị (di ảnh) lên.
  • Tự lập: Tang chủ vào đứng trước linh tọa rồi trai gái cứ lần lượt sắp hàng cùng vào.
  • Cử ai: Con cháu khóc.
  • Quán tẩy: Người đến làm lễ rửa tay trong một thau nước.
  • Thuế cân: Lấy khăn lau tay rồi người xướng hô thế nào thì những người hộ lễ nghe và hành lễ theo như vậy.
  • Nghệ hương án tiền: Chủ tang đi lên trước bàn thờ.
  • Phận hương: Chấp sự thắp hương lên bàn thờ.
  • Châm tửu: Chấp sự rót rượu ra chén.
  • Hiến tửu: Dâng rượu lên bàn thờ rồi nghiêng mình đi xuống.
  • Ai chỉ: Con cháu ngừng khóc.
  • Độc chúc: Đọc văn tế, chủ tang bên phải, người đọc bên trái. Sau khi đọc xong chuyển cho chủ tang lễ một lễ rồi đứng lên.
  • Bình thân phục vị: Chủ tang đứng thẳng lên và lui xuống một bước.
  • Điểm trà: Những ngưòi chấp sự dâng trà lên bàn thờ, đi xuống đứng ra hai bên.
  • Cử ai: Con cháu lại khóc.
  • Cúc cung bái: Chủ tang và con cháu lạy hai lạy.
  • Hưng, bình thân: Chủ tang đứng ngay lên.
  • Phần chúc: Người đọc văn đốt văn tế.
  • Lễ tất: Tất cả con cháu cùng lễ.
  • Kết thúc lễ thành phục.
  • Sau lễ thành phục, đánh ba hồi trống lớn chính thức phát tang.

Văn tế lễ thành phục:

“Duy! Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam quốc, ….. tuế thứ…nguyệt…nhật

(Tên tỉnh) tỉnh, (tên xã) thị xã, (tên phường, xã) phường (xã), (tên thôn) chi thôn.

Cô tử (hoặc ai tử, hoặc cô ai tử): ……

Trưởng nam (hoặc trọng nam, quý nam, hôn tử, nữ tử): ……..

Hiệp dự tử tôn hôn tế nội ngoại hợp đồng toàn gia quyến đẳng cẩn dị: Hương đăng (đèn, nến) phù lưu (trầu cau) trà tửu (trà, rượu), quả phẩm (hoa quả), tinh quả (bánh trái), kim ngân minh y (vàng mã), đẳng vật chi nghi (các vật khác) chi lễ cảm cáo vu: Hiển khảo (hay hiển tỷ) (Đọc hiệu bụt người mất).

Cáo tự viết: Chi ư kim nhật thân phụ (hay thân mẫu) mệnh một tử tôn, đứng trước hình hài làm lễ tang tóc chịu khó phụ thân (hay mẫu thân) cho đến hết mãn tang là hai năm trời đằng đẵng thực lạy phụ thân (hay mẫu thân) chứng giám.

Than ôi ! nguyệt dãi dầu non, châu rơi rốn bể

Hõi……. cha (hay mẹ) đi đâu, cuộc đời sao vội thế, để nhà vắng vẻ, trong dạ những âu sầu, lòng con nay thương nhớ, trông mây trắng một màu, tưởng nhớ câu chín chữ cù lao thành tâm một lễ, áo tang bốn ngày vọn vẽ, trước án cúi đầu xin người chứng quả, trọn nghĩa trước sau.

Thượng hưởng.”

Chú ý:

Mẫu văn tế trong các lễ cúng trong đám tang chỉ mang tính chất tham khảo, các tang gia có thể tự soạn lấy các văn tế sao cho hợp với thực tế, hoàn cảnh.

Nghi lễ thiết linh và thành phục hiện nay có thể gộp chung làm một lần.

các lễ cúng trong đám tang
Lễ thành phục hiện nay vẫn được thực hiện dưới nhiều hình thức

7. Lễ chiêu điện, tịch điện

Lễ chiêu điện, tịch điện là con cháu tiến hành làm lễ trước linh sàng. Sáng con cháu làm thưởng trực, tối làm tịch điện. Nghĩa là: sáng mời vong dậy ăn, tối mời vong đi ngủ.

Tiến hành:

  • Sáng: Con cháu vào trước linh sàng khóc 3 tiếng rồi cuốn mành lên, quỳ xuống và khấn.

“Nhật sắc di minh, thỉnh nghênh linh bạch vu linh tọa, cẩn cáo!”

Sau đó lạy một lạy rồi đặt di ảnh vào ỷ (ngai thờ). Người nhà cất chăn gối đi để làm lễ chiêu điện.

  • Tối: Con cháu cũng khóc 3 tiếng trước linh sàng rồi quỳ xuống khấn.

“Nhật thời hưng mộ thỉnh nghênh linh bạch vu tẩm sở, cẩn cáo!”

Sau đó lạy một lạy rồi rước di ảnh ra sau linh sàng, đắp chăn áo lên, buông màn và làm lễ tịch điện.”

Thời gian: Mỗi ngày 2 buổi đến khi đem thi thể đi chôn cất.

Chú ý: Hương, nến, hoa quả cúng bái lúc nào cũng phải có đầy đủ, không để khói tạnh.

Ngày nay, các lễ cúng trong đám tang đã được đơn giản hóa. Lễ chiêu điện, tịch điện chỉ cần làm cúng cơm trước bàn thờ vào các buổi trưa, tối trong ngày là được.

các lễ cúng trong đám tang
Lễ tịch điện là một nghi lễ quan trọng của Phật giáo

>>>> Xem thêm: Phong tục tang ma của người Việt trang nghiêm và đầy đủ nhất

8. Văn cáo đào huyệt

Các lễ cúng trong đám tang khi thực hiện lúc nào cũng phải có văn cáo để báo cáo với bề trên và người mất. Do vậy, khi gia đình tiến hành đào huyệt người mất cần khấn văn cáo xin đào huyệt để không động phạm đến người quá cố.

Văn cáo như sau:

“Nay cố thân, rời xa trần thế, trọn đây cát địa, xin để mộ phần, hồn mà khoái lạc, người chắc có nhân, gò nào quán ấy, chim đậu đất lành, nay tôi thiết lễ, dâng kính thổ thần, nhờ người ủng hộ mọi việc xa gần, điềm hay đem đến, điềm dữ đi dần, tâm thành một tấc, rượu chuốc ba tuần, xin người chứng giám đãi chút lòng trần”.

các lễ cúng trong đám tang
Cần làm lễ cúng Thổ Địa nơi an táng để xin cho người mất được trú ngụ tại đây

9. Lễ an táng

Lễ an táng (lễ phát dẫn – đưa ma) là nghi lễ quan trọng nhất ở các lễ cúng trong đám tang. Quy trình gồm 4 việc.

Việc 1: Cúng lễ trước khi di quan.

Gia đình đem di ảnh đến từ đường tố cáo tổ tiên rồi làm lễ tiễn biệt người chết.

  • Người thực hiện: Tang chủ cùng con cháu nội ngoại.
  • Thực hiện: Mọi người đứng theo thế thứ trong nhà, xếp hàng trước bàn thờ. Tang chủ tiến hành thắp hương, dâng nước, dâng rượu, đứng trang nghiêm và đọc lời tiễn biệt lần cuối. Con cháu vái lạy.
  • Chú ý: Trong quá trình hành lễ, nhạc tang vang lên khúc bi ai.

Việc 2: Làm lễ truy điệu.

Trong quy định làm các lễ cúng trong đám tang, lễ truy điệu tiến hành sau lễ trước di quan. Bà con, bạn bè thân hữu tập trung trước bàn thờ vong mặc niệm cho người mất.

Tiến hành: 

  • Đại diện ban lễ tang tuyên bố lý do, giới thiệu người trưởng ban lễ tang làm chủ lễ.
  • Chủ lễ tiến lên bàn thờ người mất, thắp 3 nén hương, vái 2 lần. Tang chủ của gia đình đáp lễ vái lạy 2 vái. Phường bát tấu nhạc tang.
  • Chủ lễ hành lễ rồi đọc điếu văn nói về thân thế sự nghiệp, công lao đóng góp của người quá cố với cộng đồng, xã hội. Công lao dưỡng dục con cái, huân chương, phần thưởng (nếu có)…
  • Sau đó, ban lễ tang tuyên bố một phút mặc niệm tiễn biệt người chết. Tất cả mọi người mặc niệm lần cuối, rồi thực hiện di quan ra xe. Quá trình thực hiện các lễ cúng trong đám tang cần trang trọng, thể hiện sự bi thương.

Chú ý: Việc làm lễ truy điệu còn tùy theo quy định của Đảng và Nhà nước mà tiến hành.

các lễ cúng trong đám tang
Lễ truy điệu thường được tổ chức để chiêu cáo những công lao của người quá cố

Việc 3: Di quan (đưa quan tài đến nơi chôn cất hoặc hỏa táng)

Trước khi di quan, đại diện gia đình nói lời cảm ơn và xin lỗi tới những người đến dự tang và xin lượng thứ những khiếm khuyết trong lúc thực hiện tang gia.

Tiến hành: 

  • Theo quy định các lễ cúng trong đám tang, di quan con trai chống gậy tre nếu cha mất, gậy vông nếu mẹ mất, đi lùi trước linh cữu. Trường hợp không có người chống gậy thì treo gậy ở đầu xe tang. Con gái, con dâu đi ngay sau linh cữu. Người thân thích (hộ tang) đi gần linh cữu.
  • Bà con nội tộc, bạn bè cùng nâng quan tài bằng tay, dưới sự chỉ huy của chấp sự cầm hai thanh tre (phách) gõ hiệu lệnh. Quan tài cần được giữ thăng bằng, phía trên phủ một tấm vải lớn (phải phủ kín).
  • Khi di quan cần đi chậm rãi, nửa bước chân một để đảm bảo quan tài luôn thăng bằng, người mất được ra đi trong giấc ngủ yên lành.

Hình thức đoàn di quan:

Đi đầu là người cầm cờ tang, tiếp đến là lá hiệu (minh tinh), hương án, giá hương, độc bình, đồ tam sự (2 cây nến, 1 bát hương), mâm ngũ quả, di ảnh, bát âm. Cuối cùng là linh cữu (ngày nay là xe tang cùng quan tài).

các lễ cúng trong đám tang
Lễ an táng thường được tổ chức long trọng

Việc 4: Hạ huyệt

Chuẩn bị: 2 đòn tre, dây thừng chắc chắn, bia mộ, đồ cúng, vòng hoa. 

Đến địa điểm chôn cất, hai người đặt 2 đòn tre ngang qua huyệt. Gia đình tiến hành di quan tài đặt trên 2 đòn tre rồi lồng dây thừng dưới quan tài để thuận tiện cho việc hạ quan.

Tiến hành:

  • Trước khi hạ huyệt, tang chủ hành lễ và cáo với thổ thần xin cho người chết được nhập mộ. Sau đó, gia đình tiến hành làm lễ vĩnh biệt.
  • Người có nhiệm vụ chôn, đắp mộ tiến hành chôn đắp rồi đặt bia mộ tạm, bát cơm cúng, chén rượu lên mộ. Mọi người thắp hương trước bia và xếp vòng hoa xung quanh mộ.
  • Tất cả người đưa tiễn đi một vòng quanh mộ để tiễn biệt lần cuối cho người chết về nơi an nghỉ cuối cùng. Chú ý không được ngoảnh đầu nhìn lại.
các lễ cúng trong đám tang
Khi hạ huyệt cần cẩn thận, tránh làm nghiêng, lắc quan tài

10. Lễ ba ngày

Lễ ba ngày là lễ con cháu, thầy cúng ra mộ, cúng đắp mộ cao ráo, đẹp đẽ hơn, rào chắn xung quanh để trâu bò không vào được.

Lễ này được thực hiện sau ba ngày chôn cất người chết. Tuy nhiên, hiện nay các lễ cúng trong đám tang đều được thực hiện giản lược hơn để đỡ vất vả cho người nhà. Vì vậy, lễ ba ngày ngày nay chỉ cần thầy cúng thực hiện đọc văn tế ngu kiêm thông tán, dẫn tán.

Văn tế ngu:

“Than ôi! sao đổi phương nam, mây che đất đỏ, tưởng đến cù lao chín chữ, bú mớm ba năm, nhớ khi sớm viếng lối thăm trước lần hớn hở, giờ bỗng tây xa bắc trở trong dạ khát khao, đau đớn thay bể thẳm trời cao, nông nỗi ấy cũng thương cùng nhớ, nhân việc thông (huyên) đường quyên cố, lễ ngu yên mộ gọi là dám xin tổ tiên gần xa, đồng lai chứng giám phù hộ trẻ già. Thượng hưởng!”

các lễ cúng trong đám tang
Một số nơi không tổ chức lễ ba ngày cho người mất

>>>> Xem thêm: Cách xem tuổi kiêng khi bốc mộ và những điều cần lưu ý

11. Lễ tuần 49 và 100 ngày

Các lễ cúng trong đám tang có lễ 49 và 100 ngày là lễ lớn. Đây là dịp để nội ngoại, bà con, thân hữu đến thắp hương cúng cho linh hồn người mất được mát mẻ. Gia chủ sẽ tổ chức ăn uống mời quan khách, những người đến thắp hương.

Văn tế lễ tuần 49, 100 ngày:

“Duy! Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam quốc, … tuế thứ…nguyệt…nhật

(Tên tỉnh) tỉnh, (tên xã) thị xã, (tên phường) phường (xã), (tên thôn) chi thôn.

Cô tử (hoặc ai tử, hoặc cô ai tử): …

Trưởng nam (hoặc trọng nam, quý nam, hôn tử, nữ tử): …

Hiệp dự tử tôn hôn tế nội ngoại hợp đồng toàn gia quyến đẳng cẩn dị: Hương đăng, phù lưu, trà tửu, quả phẩm, tinh quả, kim ngân minh y, đẳng vật chi nghi chi lễ cảm cáo vu: Hiển khảo (hay hiển tỷ): (Đọc hiệu bụt người mất).

Cáo tự viết: Chi ư kim nhật đáo 49 nhật ( hoặc bách nhật) chi lễ tử tôn thành tâm cẩn dị: Bàn soạn thu thiết lễ vật tại linh sàng thực lạy thân phụ (hay thân mẫu) âm hưởng chứng giám, bảo hộ tử tôn bình yên khang thái.

Than ôi, gió thổi mây bay, được ngày an táng, dám xin linh sảng, tốt khốc (chung thất) lễ bày, suối vàng có hay, xin người chứng dám, thượng hưỏng!”

các lễ cúng trong đám tang
Lễ 49 và 100 ngày được tổ chức nhằm tưởng nhớ người đã mất

12. Giỗ đầu

Các lễ cúng trong đám tang có ngày giỗ đầu là lễ cúng ngày chết đầu tiên cho người quá cố để tưởng nhớ hương hồn người đã khuất. Giỗ đầu thường cúng trước ngày chết 1 ngày.

Trước ngày giỗ 2 ngày, con cháu ra dọn cỏ, đắp lại mộ cho đẹp rồi thắp hương, cắm hoa, mời hương hồn người mất về hưởng lễ. Sau đó người thân về nhà thắp nén nhang, dâng rượu, nước trình tiên thường để hôm sau cúng giỗ chính thức.

các lễ cúng trong đám tang
Giỗ đầu là ngày để người thân ra thăm mộ nơi an táng người quá cố

13. Giỗ hết tang

Trong các lễ cúng trong đám tang có giỗ hết tang là làm lễ vào năm thứ 2 sau khi người chết ra đi. Giỗ này sẽ cúng đúng ngày mất. Sau 2 năm, người chết đã siêu thoát hoàn toàn. Gia đình có thể tiến hành làm lễ bỏ hết đồ tang cho người mất sau khi làm giỗ hết tang.

Lễ này nên lựa chọn một ngày tốt trong tháng 3 để tiến hành.

các lễ cúng trong đám tang
Sau giỗ hết tang, gia đình có thể cúng giỗ ở bàn thờ gia tiên, không cần ra nơi an táng nữa

14. Cải táng

Cải táng (bốc mộ) là hành động nhằm đưa người quá cố về nơi an nghỉ trang trọng, đẹp đẽ nhất.

Quan tài gỗ khi để lâu ngày sẽ mục nát và sập xuống, gặp ngoại cảnh tác động ảnh hưởng đến tro cốt người mất. Nên để yên lòng người quá cố và thỏa lòng con cháu, tục lệ bốc mộ đã trở thành phần không thể thiếu trong các lễ cúng trong đám tang.

Thời gian thực hiện:

Để người chết phân hủy hết xác thì thời gian cần ít nhất trên 3 năm. Gia đình hãy thực hiện lễ cải táng vào mùa đông, thời tiết khô ráo đẹp để thuận tiện hơn.

Tiến hành: 

  • Trước khi bốc mộ, gia đình làm lễ xin cáo gia tiên và thổ thần nghĩa địa. Bốc mộ thường diễn ra vào ban đêm.
  • Khi mở nắp quan tài mọi người cần đứng đầu chiều gió để tránh bị tạt khí độc do phân hủy xác và tiến hành đốt bó chổi bằng cây, đổ rượu vào quan tài để giảm bớt xú khí.
  • Xương cốt người quá cố được đem lên, rửa sạch, lau khô và xếp vào tiểu theo đúng vị trí.
  • Gia đình lót giấy kim và vải đỏ (lụa đỏ) và tiểu và đem đến nơi có điều kiện đất tốt để xây cất.
  • Một người lấy nước vang tưới xung quanh khu vực bốc mộ. Hành động này gọi là hàn long mạch nhằm, mục đích hàn mạch đất vĩnh viễn.
các lễ cúng trong đám tang
Lễ cải táng nhằm đưa người mất quy tụ về vùng đất tổ

Bài viết liên quan:

Trên đây là thông tin về các lễ cúng trong đám tang cần thực hiện cho người mất mà Tinh Hoa Đá Mỹ Nghệ tổng hợp. Việc tổ chức tang lễ ngày nay còn phụ thuộc vào phong tục, tập quán của từng gia đình, địa phương. Vì vậy, gia đình có thể xem xét lược bỏ những thủ tục không cần thiết để thực hiện tiễn đưa người quá cố mà không ảnh hưởng đến những người ở lại.

Rate this post
Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bật mí những điều kiêng kỵ khi xông nhà tránh gặp điều xui

Xông nhà đầu năm là phong tục được lưu truyền từ lâu của người Việt mong muốn có một năm gặp nhiều, may mắn, thuận lợi. Tinh Hoa Đá Mỹ Nghệ sẽ bật

Chuẩn bị lễ vật cúng sao giải hạn chi tiết, đầy đủ nhất

Hành động chuẩn bị trước các lễ vật cúng sao giải hạn sẽ giúp cho nghi lễ dâng sao giải hạn diễn ra suôn sẻ, thuận lợi. Thông tin về số lượng cụ

Nên làm gì với tro cốt sau khi hỏa táng tránh những điều cấm kỵ

Mục lục bài viết1. Lễ mộc dục2. Lễ phạn hàm3. Lễ khâm liệm nhập quan4. Lễ chiêu hồn5. Lễ thiết linh6. Lễ thành phục7. Lễ chiêu điện, tịch điện8.

Có nên treo gương bát quái trước cửa nhà không?

Nhiều người tỏ ra thắc mắc có nên treo gương bát quái trước cửa nhà không? Theo phong thủy thì việc này là rất cần thiết bởi treo gương bát quái có rất

Các lễ cúng trong đám tang mà bạn có thể chưa biết?

Tổ chức các lễ cúng trong đám tang vừa là phong tục đưa tiễn người đã khuất về nơi an nghỉ cuối cùng vừa là dịp người thân trong gia đình thể hiện

Những điều kiêng kỵ khi đặt bàn thờ tránh xui xẻo, mất vận may

Đặt bàn thờ là một nghi thức quan trọng liên quan đến vận may, tài lộc, phúc khí của gia đình. Cùng Tinh Hoa Đá tìm hiểu trong bài viết dưới đây những

Hướng dẫn cách rút bớt chân hương và vệ sinh bàn thờ chuẩn

Bạn đã biết cách rút bớt chân hương và vệ sinh bàn thờ sao cho chuẩn nhất chưa? Đây là một nghi thức quan trọng cần được tiến hành đúng cách để tránh

Tác dụng của trầm hương trong phong thủy và cách dùng đúng?

Chắc hẳn có nhiều người thắc mắc tác dụng của trầm hương trong phong thủy là gì mà hiện nay được nhiều gia đình sử dụng như vậy. Trầm hương là một

100+ Mẫu khu lăng mộ bằng đá xanh rêu giá rẻ, hợp phong thủy

Khu lăng mộ bằng đá xanh được làm từ đá xanh rêu – một trong những loại đá được lựa chọn hàng đầu trong thi công các công trình lăng mộ. Không chỉ

Nghi thức cúng 49 ngày | Những lễ vật cần sắm là gì? 

Hẳn ai cũng từng nghe nói đến cúng 49 ngày dành cho người đã khuất. Nhưng lễ cúng này có ý nghĩa gì? Lễ vật và nghi thức thực hiện ra sao? Rất nhiều
Bài viết liên quan

Bật mí những điều kiêng kỵ khi xông nhà tránh gặp điều xui

Xông nhà đầu năm là phong tục được lưu truyền từ lâu của người Việt mong muốn có một năm gặp nhiều, may mắn, thuận lợi. Tinh Hoa Đá Mỹ Nghệ sẽ bật

Chuẩn bị lễ vật cúng sao giải hạn chi tiết, đầy đủ nhất

Hành động chuẩn bị trước các lễ vật cúng sao giải hạn sẽ giúp cho nghi lễ dâng sao giải hạn diễn ra suôn sẻ, thuận lợi. Thông tin về số lượng cụ

Nên làm gì với tro cốt sau khi hỏa táng tránh những điều cấm kỵ

Mục lục bài viết1. Lễ mộc dục2. Lễ phạn hàm3. Lễ khâm liệm nhập quan4. Lễ chiêu hồn5. Lễ thiết linh6. Lễ thành phục7. Lễ chiêu điện, tịch điện8.